Học bổng Swedish Institute Scholarships (P.1)

1 chút preface: Trước khi bắt đầu lên kế hoạch du học, tìm hiểu về các học bổng nói chung và học bổng SISS nói riêng, có 3 điều bạn phải có được câu trả lời rõ ràng và chắc chắn cho bản thân:  Kinh nghiệm làm việc, Lý do đi học, Kế hoạch sau tốt nghiệp. Nếu các câu trả lời đồng nhất với nhau và thuyết phục được bản thân bạn là “Mình phải đi học thôi!”, thì ở bài viết này mình sẽ giúp bạn có được các thông tin khái quát và 1 vài insights về học bổng SISS của viện Thuỵ Điển.

Swedish Institute Scholarships for Global Professionals (trước đây có tên gọi Swedish Institute Study Scholarships – SISS) có lẽ là học bổng có giá trị lớn nhất, danh giá nhất và được trao bởi tổ chức giáo dục uy tín nhất Thụy Điển. Và bây giờ mình sẽ chia sẻ những điều mà mình quan sát được trong quá trình hoàn thành hồ sơ (SISS 2017-2018) để các bạn tham khảo nhé!

  1. Trước tiên sẽ là những đặc quyền của SI Scholarships để truyền cảm hứng cho mọi người.
    Là một SI Scholarship holder (người được học bổng SI), bạn sẽ nhận được rất nhiều đặc quyền mà không một học bổng nào của Thụy Điển có thể cung cấp, đó là:
Cùng với NFGL Lund đi tham quan UN City tại Copenhagen

  • Là thành viên trọn đời của Mạng lưới Lãnh đạo Toàn cầu Thuỵ Điển (NFGL SI), có cơ hội tham gia các hội thảo/lễ hội chuyên đề khắp Thuỵ Điển, đôi khi còn được tài trợ chi phí đi lại, ăn ở,
  • Dự lễ nhận học bổng, tốt nghiệp tại Tòa thị chính tại Thủ đô Stockholm cùng tất cả các SI holders trên cả nước.
Dự lễ tốt nghiệp ở Toà Thị Chính Stockholm cùng với các bạn SI khác (mình đứng rìa trái)

  • Được dẫn theo vợ/chồng có đăng ký kết hôn hợp pháp với tư cách là coapplicant tới Thuỵ Điển, và người này được học bất kỳ chương trình họ thích trong thời gian scholarship holder ở Thuỵ Điển
  • Được miễn nhiều loại phí hành chính như phí làm và gia hạn Thẻ cư trú, …
  • Được ưu tiên hơn khi thuê nhà

Còn rất nhiều đặc quyền khác mà mình chưa khám phá hết. Các bạn cựu SI hoặc đã và đang học tập tại Thụy Điển có thể bổ sung thêm nhé!

2. Giờ thì chúng mình sẽ đi vào serious business đây: Những việc cần làm để bắt đầu ứng tuyển cho SI Scholarships

  • Đọc toàn bộ những thông tin/yêu cầu/hướng dẫn của SI (https://si.se/en/apply/scholarships/swedish-institute-scholarships-for-global-professionals/)
  • *Đọc thật kỹ toàn bộ những thông tin/yêu cầu/hướng dẫn của SI*
  • Xin chứng nhận (có chữ ký và mộc) số giờ làm việc và số giờ lãnh đạo từ một/những cơ quan bạn từng/đang làm. Đây là phần mình thấy nhiều bạn hay gặp trục trặc. Bạn có thể xin tại trường đại học nơi bạn đã từng làm chủ tịch câu lạc bộ hay bí thư, cơ quan hiện tại đang làm việc hoặc bất kỳ tổ chức nào trong CV có thể chứng minh thời gian làm việc và khả năng lãnh đạo của bạn.. Hãy định trước xem bạn sẽ lấy những chứng nhận trên bằng cách nào và nếu điều này thật sự không khả thi thì bạn nên cân nhắc kỹ việc theo đuổi SISS hay là chuyển hướng sang một loại học bổng khác.

3. Quy trình và các ngày quan trọng:

  • Các thời hạn của SISS và trường không quá gấp gáp, nếu các bạn chú tâm và quyết tâm thì thời gian họ cho đủ để vừa đi làm bận rộn, vừa chuẩn bị tốt. Các bạn cứ yên tâm làm từng bước một, tập trung chọn ngành, chọn trường, xây dựng hồ sơ nộp cho trường, xong xuôi rồi thì trả lời các câu hỏi của vòng 2. 
  • Ngoài học bổng từ SI, các bạn nào muốn đi học ơi là đi học thì cũng nên thử sức thêm với các học bổng của trường để đỡ đần chi phí. Học bổng của từng trường vui lòng xem tại website của trường bạn chọn.
  • Trước khi chọn được những trường/ngành phù hợp, bạn có thể thoải mái đăng ký/chỉnh sửa các nguyện vọng của mình cho đến Ngày hết hạn ứng tuyển cho trường. Mỗi hồ sơ được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng. Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
  • Hồi đó mình cũng hay bị hồi hộp cộng thêm việc lướt các nhóm chat 😛 nên là lo loạn lên, nên các bạn sau này đừng giống mình nha. Lời khuyên là nên ghi các deadlines ra để tiện theo dõi, làm lần lượt từng bước một, làm đến đâu chắc đến đó, tránh trùng lặp hoặc thiếu sót.

4. Chiến lược chọn ngành học

Vì sao chọn ngành mà cũng cần phải có chiến lược? SISS xét kinh nghiệm làm việc và khả năng lãnh đạo/dẫn đầu, trong khi, trường sẽ xét lý lịch bằng cấp, ngành của bạn tại trường đại học, sự phù hợp với ngành nghề bạn chọn. Hai bước này quan trọng y như nhau, thậm chí có thế nói, chọn được trường và chương trình học phù hợp và có chiến lược là điều tiên quyết nếu bạn muốn được trao học bổng. 

Mình sẽ chia chiến lược chọn ngành học ra thành hai bước:

Bước 1: Chọn ngành nào để có 1 Hồ sơ đạt yêu cầu? (to be qualified)

  • Nếu các bạn có bằng cấp và mong muốn tiếp tục được theo đuổi các ngành chuyên biệt như CNTT, Sức khoẻ & Y tế, Lý, Hoá, Toán, Sư phạm, Tài chính … thì chúc mừng bạn, giờ chỉ còn tập trung vào việc tìm trường, nghiên cứu Đề cương Giảng dạy của Khoa để chọn được nơi “trao thân” phù hợp nhất thôi 🙂
  • Tuy nhiên, đối với các bạn học ngành kinh tế (có nhiều tín chỉ về Management bất kì) KHÔNG mong muốn tiếp tục ngành cũ và có NHIỀU kinh nghiệm ở một ngành xã hội hay ngành khác, ví dụ như bạn học Kinh tế/FTU và đang chạy dự án cộng đồng cho NGOs) thì việc lựa chọn ngành sẽ lắm công phu hơn xíu: 
    • Đọc kỹ và đối chiếu các yêu cầu tuyển sinh của ngành với bảng điểm Đại học của bạn, xem mình có các môn học nào đáp ứng được các yêu cầu đó, mình thấy là các ngành càng tổng quát và có liên quan đến nhiều khía cạnh quản lý, chiến lược, chính sách thì các bạn đi trái ngành sẽ có nhiều cơ hội hơn.
    • Liên hệ với Điều phối viên của chương trình (Study Coordinator), trình bày rõ ràng lý lịch, hoàn cảnh, lý do và xin họ cho lời khuyên, nếu mà họ nói là bạn không hợp (và giới thiệu 1 ngành khác tại trường họ) thì bạn nên chuyển hướng, còn nếu mà họ nói là cái này còn tuỳ vào hồ sơ của bạn thì mình tính tiếp. Email cho điều phối rất thích, mọi thắc mắc đều được giải đáp, có khi bạn còn được biết thêm về các quy định tuyển sinh/xét hồ sơ nữa 🙂 Hơn nữa, bạn cũng có thể biết mức độ quan tâm của Điều phối, của trường dành cho các ứng viên.

Bước 2: Chọn ngành nào để tăng cơ hội được chọn? (to be admitted) 

  • Đọc kỹ yêu cầu tuyển chọn sinh viên là gì? Nếu chỉ là mỗi bảng điểm và trình độ tiếng Anh thì điểm của bạn phải thật cao. Còn nếu điểm bạn chỉ vừa phải (như nhiều người đã được học bổng :P) thì hãy chuyển hướng sang các trường cho phép bạn chứng minh năng lực và sự phù hợp bằng CV, thư giới thiệu, Statement of Purpose … 
  • Các lĩnh vực SISS khuyến khích (liên quan đến những quan tâm của chính phủ Thuỵ Điển để phát triển xã hội, kinh tế, và môi trường trong social context của Việt Nam) trong các năm vừa qua thường là Equality, Innovation, Sustainability, Education, Health, Management. 

Chắc hẳn sẽ có bạn thắc mắc là mình chọn ngành gì bằng việc áp dụng các “chiến lược” trên? Hình trên là mình trong ngày đầu tiên đến lớp tại khoa Strategic Communication ở campus Helsingborg của ĐH Lund đó!

(Trong bài này mình có phân tích và giải thích kỹ hơn về Chiến lược chọn ngành học, đặc biệt khi bạn muốn học trái ngành hoặc điểm GPA không được cao)

Phần tới mình sẽ nói về cách để có hồ sơ thuyết phục, nếu các bạn có câu hỏi hay chia sẻ gì hãy comment hoặc gửi tin nhắn cho mình nhé. Mình sẽ rất vui được chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình về việc xin học bổng, đi du học, cũng như là về đất nước Thuỵ Điển với mọi người.

Leave a comment